HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ - Tổ Sử - Địa - GDCD
DẠY HỌC CÁC MÔN KHXH THEO HÌNH THỨC TRẢI NGHIỆM
HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ
DẠY HỌC CÁC MÔN KHXH THEO HÌNH THỨC TRẢI NGHIỆM
NĂM HỌC 2018 - 2019
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành giáo dục nước ta đang “đổi mới căn bản, toàn diện” nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện được hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo dục cần quán triệt và thực hiện đầy đủ, đúng đắn nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với cuộc sống, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”
Học từ trải nghiệm thực tế, trải nghiệm sáng tạo là xu hướng, phương pháp học mới đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người làm giáo dục. Mô hình học tập từ trải nghiệm ngày càng được nhân rộng và thu hút sự tham gia của nhiều người do tính hiệu quả mà nó đem lại. Trong năm học 2018 – 2019, các thầy cô giáo tổ Sử - Địa - GDCD trường THPT Mỹ Hào đã vận dụng linh hoạt các hình thức của hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học các bộ môn khoa học xã hội. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận đến hoạt động thực tiễn và các kết quả thu được, ngày 05/3/2019, tổ Sử - Địa – GDCD đã tiến hành hội thảo khoa học cấp tổ với nội dung Dạy học các môn KHXH theo hình thức trải nghiệm.
Mở đầu buổi hội tảo, đồng chí Vũ Thị Hòa trình bày tham luận Cơ sở khoa học về Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TNST). Trong tham luận, đồng chí Hòa đã cho thấy HĐTN có vai trò quan trọng trong dạy học, là một bộ phận của chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bên cạnh các môn học khác hoạt HĐTNST trong chương trình giáo dục phổ thông mới làm cho nội dung giáo dục không bị bó hẹp trong sách vở mà gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội; là con đường gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, góp phần phát triển phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống, niềm tin đúng đắn ở học sinh, hình thành những năng lực cần có của con người trong xã hội hiện đại giúp phát triển toàn diện nhân cách học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Qua tổ chức HĐTNST, vai trò của người thầy thay đổi: người thầy chỉ hỗ trợ, hướng dẫn, hay đóng vai trò trọng tài, cố vấn nhằm phát huy cao độ tính năng động chủ quan của người học. Cùng với đó, bản tham luận cũng chỉ rõ những tư tưởng về giáo dục học về trải nghiệm sáng tạo; các nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp tổ chức và định hướng đánh giá của hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Thực tế việc tổ chức HĐTNST trong các bộ môn KHXH tại trường THPT Mỹ Hào đã diễn ra từ nhiều năm học, đặc biệt trong năm học 2018- 2019. Từ lí luận đến thực tiễn, từ lí thuyết đến hành động là cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng và thực hiện rất vất vả nhưng rất bổ ích. Thực tế hoạt động trải nghiệm đã diễn ra như thế nào từ khâu lên kế hoạch đến thực hiện trải nghiệm, đánh giá kết quả trải nghiệm và bài học kinh nghiệm rút ra là gì đã được phân tích trong báo cáo Thiết kế hoạt động TNST trong dạy học KHXH trường THPT Mỹ Hào do đồng chí Nguyễn Thị Phượng trình bày. Bản tham luận nêu rõ qui trình thực hiện hoạt động học tập TNST cho học sinh gồm 3 bước cơ bản: Lập kế hoạch (Lựa chọn chủ đề; Xây dựng các tiểu chủ đề ; Lập kế hoạch các hoạt động học tập); Thực hiện kế hoạch (Thu thập thông tin; Xử lý thông tin; Tổng hợp thông tin); Tổng hợp báo cáo kết quả ( Xây dựng sản phẩm; Báo cáo trình bày sản phẩm; Đánh giá).
Đồng thời tham luận đã nêu một số hình thức dạy học TNST các thầy cô giáo trong tổ đã áp dụng như: Tổ chức học tập bằng hình thức trải nghiệm ngoài thực tế (Khối 10, 11: Học tập trải nghiệm tại đền thờ thầy Chu Văn An và khu du lịch Tuần Châu; Khối 12: Học tập trải nghiệm tại đền thờ thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm và khu du lịch Hòn Dấu) ; Tổ chức học tập trải nghiệm bằng hình thức dạy học dự án (trong các bài dạy môn Lịch sử, địa lí); Tổ chức học tập trải nghiệm bằng phương pháp trò chơi (ở cả 3 bộ môn); Tổ chức học tập trải nghiệm bằng hoạt động ngoại khóa (Hoạt động ngoại khóa Hướng về biển đảo quê hương môn GDCD).
Bản tham luận thứ ba của đồng chí Lê Thị Thu Hiền Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn dạy học TNST đã cho thấy những kinh nghiệm đúc kết thành công, hay các khó khăn gặp phải trong tổ chức HĐTNST, từ đó đưa ra các khuyến nghị với Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô dạu môn khoa học xã hội.
Sau khi lắng nghe các bản tham luận, đồng chí Khương Quang Sự - Chủ tịch Công đoàn nhà trường, giáo viên Lịch sử và đồng chí Ngô Thị Minh Phương – tổ Phó tổ Sử - Địa – GDCD đã nhiệt tình đóng góp các ý kiến về việc tổ chức các HĐTNST trong thời gian qua của các thầy cô trong tổ. Đây thực sự là những ý kiến quý báu để các thầy cô trong tổ tiếp tục tổ chức các HĐTNST tiếp theo.
Hội thảo “Dạy học các môn KHXH theo hình thức trải nghiệm” một lần nữa khẳng định mục tiêu đẩy mạnh, tăng cường chất lượng giảng dạy và nâng cao năng lực chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ năm học của trường THPT Mỹ Hào nói chung, của các đồng chí giáo viên ba bộ môn Lịch sử - Địa lí - GDCD nói riêng.